1. Cơ sở dữ liệu và Cơ sở dữ liệu quan hệ:
Database (cơ sở dữ liệu): Là một tập thông tin có tổ chức, sao cho việc truy cập, quản lý và kết xuất nó được thực hiện một cách dễ dàng.
Các tổ chức sử dụng cơ sở dữ liệu như là phương thức để lưu trữ, quản lý và kết xuất hệ thống thông tin nghiệp vụ của họ.
Trong tin học, dựa vào cách tiếp cận để tổ chức dữ liệu, cơ sở dữ liệu được chia thành các nhóm:
Relational database (cở sở dữ liệu quan hệ): Là một tập các đối tượng dữ liệu được tổ chức theo dạng thức bảng (table), sao cho sau đó có thể truy cập và/hoặc kết xuất dữ liệu theo các cách khác nhau mà không cần tổ chức lại các bảng dữ liệu.
Mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ được E. F. Codd giới thiệu tại IBM vào năm 1970 [xem chi tiết ở wikipedia.org].
Người sử dụng và các chương trình ứng dụng có thể sử dụng SQL để tương tác với cơ sở dữ liệu quan hệ. Câu lệnh SQL có thể sử dụng cho cả việc truy vấn thông tin và nhận dữ liệu để lập báo cáo.
Một đặc điểm quan trọng khác của cơ sở dữ liệu quan hệ là tính dễ mở rộng của nó. Sau khi cơ sở dữ liệu được tạo ra, một tập dữ liệu mới có thể thêm vào mà không cần phải thay đổi lại chương trình ứng dụng đang thao tác trên nó.
Một cách cụ thể: Cơ sở dữ liệu quan hệ bao gồm một tập các bảng (table) chứa dữ liệu, tương ứng với các mục dữ liệu được định nghĩa trước. Mỗi table (đôi khi gọi là một quan hệ (relation) chứa một hoặc nhiều mục dữ liệu trong các cột (column). Mỗi dòng (row) chứa một thể hiện duy nhất của dữ liệu với các mục được định nghĩa bởi các cột.
Người sử dụng cơ sở dữ liệu có thể nhận được các view khác nhau từ một cơ sở dữ liệu, phụ thuộc vào yêu cầu kết xuất dữ liệu mà họ cần.
2. Một số thuật ngữ liên quan đến hệ quản trị cơ sở dữ liệu:
Relational database management system – RDBMS (hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ) là một hệ chương trình, hay một phần mền, quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ. Nó cho phép ta tạo (create), cập nhật (update) và quản trị (administer) cơ sở dữ liệu theo mô hình quan hệ của E. F. Codd.
Hầu hết các RDBMS hiện nay đều hỗ trợ cho phép sử dụng SQL để truy cập cơ sở dữ liệu.
Một số đặc tính của RDBMS:
1) Cho phép tạo ra một cơ ở dữ liệu với các bảng (table), các cột (column), các quan hệ (relationship) và các chỉ mục (Index).
2) Đảm bảo tính toàn vẹn tham chiếu giữa các row của các table khác nhau.
3) Cập nhật các Index một cách tự động.
4) Cho phép thực hiện các truy vấn (query) SQL để nhận dữ liệu từ các table khác nhau trong cơ sở dữ liệu.
Một số thuật ngữ liên quan với RDBMS:
1) Database (cơ sở dữ liệu): Là một tập các bảng (table) chứa dữ liệu, có quan hệ với nhau.
2) Table (bảng): Là một cấu trúc dữ liệu, được sử dụng để tổ chức lưu trữ dữ liệu cho một chủ đề thông tin nào đó. Nó bao gồm một tập các mục vào dữ liệu có liên quan với nhau, được tổ chức dưới dạng một ma trận dữ liệu, với số lượng cột (column) và dòng (row/record) xác định.
Table được xem như một dạng thức lưu trữ dữ liệu đơn giản và phổ biến nhất trong cơ sở dữ liệu quan hệ.
3) Column (cột), hay còn gọi là trường (field): Được thiết kế để chứa tập dữ liệu, mô tả cùng một thuộc tính cụ thể, của mỗi thực thể (record) trong table.
Điều này cũng có nghĩa, tập giá trị dữ liệu chứa trong một cột phải có cùng kiểu dữ liệu với nhau.
Có thể xem, column là một thực thể dọc trong table.
4) Row (dòng): Một dòng, hay còn gọi là một bản ghi (record), là một tập các field trong một table. Dữ liệu ở đây định danh duy nhất một thực thể cụ thể trong một table.
Có thể xem, row là một thực thể ngang trong table.
5) Primary Key (khóa chính): Một table thường có một column, hoặc nhiều column kết hợp với nhau, mà dữ liệu chứa ở đó định danh duy nhất mỗi record trong table. Column này, hoặc các column này, được gọi là khóa chính của table, và nó chịu trách nhiệm thực thi tính toàn vẹn dữ liệu của table.
Trong một table có thể không có hoặc chỉ có duy nhất một khóa chính.
6) Foreign Key (khóa ngoại), hay còn gọi là khóa tham chiếu:
Trong cơ sở dữ liệu quan hệ, khóa ngoại được sử dụng để tạo ràng buộc tham chiếu dữ liệu giữa hai table với nhau. Trong trường hợp này, khóa ngoại chính là cột/các cột trong table tham chiếu, mà nó khớp với cột/các cột khóa chính trong table được tham chiếu.
Nếu table A sử dụng khóa chính của nó để tạo ràng buộc tham chiếu dữ liệu với table B, thì column, hoặc các column, mà table B sử dụng cho tham chiếu này (khớp với cột/các cột trong table A) được gọi là khóa ngoại của nó. Trong trường hợp này, table B được gọi là table tham chiếu, table A được gọi là table được tham chiếu.
Khóa ngoại được sử dụng để liên kết dữ liệu trên nhiều table, vì thế nó không thể chứa dữ liệu mà nó không xuất hiện trong table mà nó tham chiếu đến. Tham chiếu được cung cấp bởi khóa ngoại giúp tạo ra một thực tế: Nhiều row trong một table tham chiếu có thể tham chiếu đến một row đơn trong table được tham chiếu.
Trong một table có thể có nhiều khóa ngoại. Điều này giúp nó có thể tạo tham chiếu đến nhiều table khác nhau.
7) Referential Integrity (toàn vẹn tham chiếu): Ràng buộc này đảm bảo rằng, giá trị khóa ngoại trog table tham chiếu (còn gọi là table khóa ngoại) luôn trỏ đến một row trong table được tham chiếu (còn gọi là table khóa chính).
Có thể thấy sự khác nhau chính giữa khóa chính và khóa ngoại là: Khóa chính là một cột, hoặc nhiều cột kết hợp, mà có thể được sử dụng để định danh duy nhất một record trong table. Trong khi đó, khóa ngoại là một cột, hoặc nhiều cột kết hợp, mà nó tham chiếu đến khóa chính, hoặc khóa ứng viên (candidate key) của table khác. Khóa ngoại cung cấp một phương thức liên kết thông tin trong nhiều table.
Một sự khác biệt khác là: Trong một table chỉ có duy nhất một khóa chính, nhưng có thể có nhiều khóa ngoại tham chiếu đến các table khác nhau.
(Nguyễn Kim Tuấn - CNTT)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: