3 lời khuyên để thành công trong ngành IT từ giảng viên tại New Zealand
Theo anh Hoàng Minh, giảng viên ĐH Công nghệ Auckland (AUT), nếu bạn đam mê ngành CNTT, hãy theo đuổi và kiên trì với nó, bạn sẽ thành công.
Anh Nguyễn Hoàng Minh được tiếp xúc với môn lập trình Turbo Pascal ngay từ năm lớp 6 (năm 1995), thời điểm mà công nghệ thông tin, cũng như Internet còn xa lạ với hầu hết người Việt. Từ ngày đầu tiếp xúc với những câu lệnh và tập tin đơn giản nhất, anh đã bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê và theo đuổi môn khoa học "khó nhằn" này cho đến tận bây giờ. Hiện anh Minh giữ vai trò là Giám đốc Chương trình Cử nhân Khoa học Máy tính và Thông tin (BCIS), đồng thời cũng là Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu về Robotics & Vision tại Đại học Công nghệ Auckland (AUT), New Zealand.
Nhìn lại chặng đường 20 năm trong nghề, anh nhìn nhận và đúc kết được 3 kinh nghiệm quý giá để các bạn sinh viên yêu thích CNTT có thể bắt đầu định hướng và xây dựng cho mình một kế hoạch học tập và sự nghiệp vững vàng.
Vạch lối đi riêng và kiên định với đam mê
Theo anh Minh, công nghệ thông tin những năm gần đây đã phát triển với một tốc độ cao chưa từng thấy. Lĩnh vực này giờ đã đi sâu vào hầu hết ngõ ngách trong cuộc sống và cũng có nhiều hướng đi như Artificial Intelligence (AI), Machine Learning (ML), Edge Computing, Quantum Computing, VR/AR, Blockchain, IoT, 5G, Cyber Security...
Tuy nhiên, vì quá nhiều lựa chọn, đôi khi sinh viên sẽ bị lạc lối và không biết nên theo hướng nào để thành công. Lời khuyên của anh Minh là các bạn sinh viên Việt Nam có đam mê và muốn theo đuổi CNTT, thì hãy chọn cho mình một hướng đi và kiên trì với nó, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Với ngành ICT (Information Communication Technology), anh Minh nhận định, một số hướng đi trong tương lai sẽ là Zero-size Intelligence, 5G Network, Universal Translators, Big Data, IoT, Intelligent Computer Vision, Mixed Reality.
"Cơ hội phát triển là rất nhiều. Ít nhất 20 năm tới, lĩnh vực CNTT vẫn rất phát triển và việc thiếu lao động có kỹ năng sẽ vẫn tồn tại ở nhiều nước, trong đó có New Zealand và Việt Nam", anh Minh chia sẻ.
Riêng tại New Zealand, Chính phủ có thêm chính sách rộng mở cho các du học sinh sau đại học có cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường. Đơn cử, ICT đang là một ngành thiếu hụt nhân sự, việc bạn có được một công việc hấp dẫn sau khi tốt nghiệp là điều khả thi. Hơn nữa, chính phủ New Zealand đang có nhiều chính sách để tăng tốc phát triển và chuyển đổi kỹ thuật số, hiện có rất nhiều tập đoàn ICT lớn trên thế giới có xu hướng mở rộng và phát triển ở New Zealand. Đơn cử, Tập đoàn Microsoft năm ngoái đã công bố kế hoạch thành lập khu vực trung tâm dữ liệu đầu tiên tại New Zealand; tháng bảy vừa rồi, Google cũng thông báo thành lập một cơ sở nghiên cứu về AI tại Auckland.
Đa phần sinh viên được anh Minh hướng dẫn trong các dự án hợp tác công nghiệp và cộng đồng tại trường đều có học bổng toàn phần và được giữ lại công ty sau khi hoàn thành khóa học.
Tìm môi trường học đi đôi với hành
Một chương trình học phù hợp, có thể tạo điều kiện cho người học va chạm với thực tế công việc nhiều ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường cũng là yếu tố nền tảng để tiến xa trong ngành.
Từ kinh nghiệm thực tế, anh Minh thấy rằng đa phần sinh viên được hướng dẫn trong các dự án hợp tác doanh nghiệp và cộng đồng tại trường đều có học bổng toàn phần và được giữ lại công ty sau khi hoàn thành khóa học. Vì vậy, phương pháp nghiên cứu và hướng dẫn của anh thường chú trọng đến giải quyết những vấn đề thực tiễn, để tạo hứng thú cũng như cơ hội cho sinh viên được thực tập ở môi trường công ty.
Đơn cử, Chương trình Cử nhân Khoa học Máy tính và Thông tin (BCIS) của trường AUT mà anh đang giảng dạy và quản lý có thế mạnh lớn về tính ứng dụng. Chương trình BCIS có đội ngũ chuyên về Hợp tác - Dự án Doanh nghiệp, họ sẽ đến các công ty CNTT trong nước và khuyến khích doanh nghiệp cung cấp các dự án R&D (trong vòng một năm) cho sinh viên năm cuối của trường. Do đó, tất cả sinh viên năm ba đều sẽ được thực tập tại các dự án thực tế trong vòng một năm.
"Đó chính là một trong những lý do khiến sinh viên tốt nghiệp chương trình được các nhà tuyển dụng ưa thích, với 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm được trả lương trong vòng sáu tháng sau khi tốt nghiệp", anh Minh nhận định.
Anh chia sẻ thêm một trường hợp cụ thể. Năm 2019, Hectre Ltd - một công ty phát triển các ứng dụng công nghệ cho ngành trồng cây ăn quả, đã đến gặp anh để xin lời khuyên về cách đo chính xác táo bên trong thùng trên các cánh đồng nông trại bằng điện thoại thông minh. Anh Minh đã đưa ra một số ý kiến và giới thiệu một bạn sinh viên tên Phạm Hồng Phúc, làm việc cho dự án này. Hectre đã đưa Phúc đến nhiều vườn cây ăn trái để thu thập dữ liệu và thiết kế nguyên mẫu. Kết quả, một sản phẩm ấn tượng đã được xây dựng, thử nghiệm và chạy trơn tru. Dự án đã góp phần vào thành công của công ty khi Hectre đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Công nghệ của New Zealand năm 2021, cho "Giải pháp Công nghệ nông nghiệp cao sáng tạo nhất" và "Công ty khởi nghiệp công nghệ của năm". Phúc hiện cũng là Senior Machine Learning engineer của Hectre.
Với 20 năm sống, học tập, và làm việc ở New Zealand, anh Minh có mối quan hệ tốt với nhiều công ty trong và ngoài nước.
Nắm bắt cơ hội
Với 20 năm sống, học tập và làm việc ở New Zealand, anh Minh có mối quan hệ tốt với nhiều công ty trong và ngoài nước, như Auckland Transports, Hectre Ltd, Fisher & Paykel Production Machinery Ltd, Jayden Digital... Với lợi thế này, anh dễ dàng hướng dẫn sinh viên làm những dự án hợp tác nghiên cứu, để giải quyết những vấn đề thực tiễn của các công ty này. Theo đó, sinh viên có thể dễ dàng xin tài trợ nghiên cứu từ các công ty hoặc Chính phủ.
Ngoài ra, anh cũng thường là người lên kế hoạch hội nghị khoa học cho trung tâm Robotics & Vision (cerv.aut.ac.nz) để có cơ hội kết nối với các chuyên gia và các nhà khoa học kỳ cựu trên thế giới, từ đó tìm thấy cơ hội học hỏi và phát triển.
Vì vậy, lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ là hãy mở rộng mạng lưới không chỉ ở cộng đồng Việt Nam mà còn trên phạm vi quốc tế. Hãy tận dụng các cơ hội được cung cấp thông qua các mối quan hệ đối tác của khoa/trường. Hãy tham gia một vài công tác tình nguyện cho một tổ chức có ý nghĩa đối với bạn hoặc liên quan đến chuyên ngành của bạn. Hãy thông minh trong việc tận dụng và phát triển mối quan hệ đích thực để xây dựng niềm tin. Đừng ngại chào hỏi và nói chuyện với người xung quanh, đôi khi cơ hội đến với bạn chỉ với một từ "Hello".