Nếu bạn đang thất nghiệp, nộp đơn xin những công việc phù hợp với năng lực và kinh nghiệm là lựa chọn đúng nhất. Nhưng nếu mãi bạn vẫn chưa được công ty nào nhận, thì đó có thể là lúc bạn nên nộp hồ sơ cho những vị trí vượt khả năng.
Dưới đây là một số mặt lợi và hạn chế khi bạn xin vào những công việc vượt quá năng lực bản thân:
1. Ưu điểm:
1. 1. Một lá thư xin việc xuất sắc có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng hoài nghi
Một lá thư xin việc (cover letter) không đề cập nhiều tới những thành tích của bạn trong quá khứ, mà thay vào đó, nhấn mạnh tới việc những kỹ năng bạn có sẽ giúp ích ra sao cho công ty mà bạn đang nộp hồ sơ có thể sẽ giúp bổ sung cho những thiếu sót trong năng lực của bạn. Hãy nhấn mạnh xem những kỹ năng nhất định, chẳng hạn hiểu biết của bạn về truyền thông xã hội hay khả năng tìm kiếm những nguồn doanh thu mới, sẽ đáp ứng các nhu cầu của công ty ra sao.
“Một trong những điểm mạnh nhất mà người tìm việc nào cũng có thể đạt được trong thư xin việc là không nói về những thành tích trước đó của họ, mà nêu rõ xem họ có thể đóng góp giá trị cho công ty như thế nào”, bà Lynn Dixon, Giám đốc mạng tuyển dụng Hourly.com, đưa ra lời khuyên.
1.2. Một cái tên công ty có thể để lại ấn tượng cho nhà tuyển dụng
Việc nhìn thấy tên của một công ty lớn trong lý lịch xin việc (resume) có thể sẽ khuyến khích nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu thêm về bạn. Tốt hơn nữa, bạn có thể tìm một bản giới thiệu từ một công ty/tổ chức nói về sự hiểu biết và những thế mạnh của bạn, theo đó giúp bạn vượt qua những điểm yếu khi xin một công việc vượt khả năng.
1.3. Uy tín của bạn có thể bù đắp cho những lỗ hổng trong hồ sơ xin việc
Bạn sẽ có lợi thế nếu nộp đơn xin việc vào một công ty mà trước đây bạn đã từng làm việc. Đã hiểu rõ về khả năng và tinh thần làm việc của bạn, nhà tuyển dụng sẽ cởi mở hơn với khả năng nhận bạn vào làm việc trở lại. “Nhà tuyển dụng có thể nhìn lại quá trình làm việc của nhân viên đó trong thời gian làm việc trước tại công ty, hoặc thu thập thông tin từ những người đã từng làm việc với người đó. Vì vậy, rất dễ xác định xem người đó có đáp ứng được các yêu cầu của họ hay không”, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp David Couper ở Los Angeles đưa ra lời khuyên.
1.4. Bạn sẽ được công ty đào tạo trước khi nhận việc
Theo một cuộc thăm dò của trang Career Builder, 39% số công ty được hỏi có ý định đào tạo những ứng viên xin việc chưa có kinh nghiệm và sau đó tuyển họ vào làm trong năm nay. Khi nhà tuyển dụng sẵn sàng bổ sung cho bạn những kỹ năng và bạn chưa có, đó là một tín hiệu cho thấy họ am hiểu và đánh giá cao đóng góp từ những nhân viên còn thiếu kinh nghiệm như bạn. Đó cũng chính là những công ty sẵn sàng đầu tư vào con người.
1.5. Bạn có thể được nhận công việc
Đó là khi nhà tuyển dụng nhận thấy rằng, năng lực và tiềm năng của bạn giúp bạn vượt qua sự thiếu kinh nghiệm. Bạn được tuyển và không còn phải chạy nộp hồ sơ khắp nơi nữa.
2. Nhược điểm
2.1. Gánh nặng chứng tỏ bản thân
Việc phải cạnh tranh với một loạt ứng viên đủ tiêu chuẩn chắc chắn sẽ đặt bạn vào thế bất lợi. Trên hồ sơ, những ứng viên đối thủ đã đáp ứng được kỳ vọng của nhà tuyển dụng và có cơ hội được gọi phỏng vấn nhiều hơn bạn. Trong khi đó, bạn phải nỗ lực để phá vỡ quan điểm của nhà tuyển dụng cho rằng các kỹ năng và năng lực của bạn không đáng để được xem xét.
“Nếu bạn không đủ tiêu chuẩn, bạn sẽ phải có thêm những biện pháp bổ sung, có thể thông qua thư xin việc hoặc lý lịch xin việc, để chứng minh vì sao bạn sẵn sàng đảm nhiệm vị trí này”, bà Dixon nói.
2.2. Phải vượt qua hệ thống sàng lọc ứng viên
Nhiều công ty lớn thường có hệ thống phần mềm sàng lọc ứng viên. Khi qua hệ thống này, hồ sơ của những ứng viên không đủ chuẩn sẽ bị loại thẳng thừng. Bởi vậy, đối với những ứng viên không đủ chuẩn, hệ thống sàng lọc ứng viên thực sự là một “khắc tinh”.
2.3. Bạn có thể mất hy vọng
Cấp dưới của hệ thống tuyển dụng có thể thấy hồ sơ của bạn là ổn, nhưng ở cấp cao hơn, nơi quyết định cuối cùng được đưa ra, nhà tuyển dụng lại cho rằng, bạn không phù hợp với vị trí cần tuyển. Khi vấp phải tình huống như vậy, bạn có thể cảm thấy như mình sẽ không bao giờ xin được việc và bất an về tương lai. Ngoài ra, việc đặt quá nhiều hy vọng vào đợt tuyển này sẽ khiến bạn mất đi thời gian để tìm những công việc khác.
2.4. Rốt cục, bạn có thể ghét công việc đó
Bạn có thể được tuyển. Nhưng nếu khoảng cách giữa các kỹ năng của bạn và những kỹ năng cần thiết cho công việc là quá lớn, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy bị ngợp. Và khi bạn chần chừ không muốn nhận lỗi, sếp có thể thẳng tay sa thải bạn. Tuy nhiên, cũng có thể bạn sẽ là người xin nghỉ trước nếu không đủ sức chịu đựng.
Với những ưu và nhược điểm như phân tích ở trên, nếu bạn quyết định nộp hồ sơ cho một vị trí nằm ngoài khả năng, hãy nhớ đừng “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Bạn không có quá nhiều thời gian để tìm việc, vì vậy nên cân bằng bằng cách nộp cả hồ sơ cho những công việc mà bạn cảm thấy phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng đừng đặt kỳ vọng quá lớn. Nếu bạn chỉ có 3 năm kinh nghiệm trong khi vị trí cần tuyển đòi hỏi 9 năm kinh nghiệm, hoặc bạn chỉ có bằng đại học trong khi vị trí cần tuyển muốn bằng thạc sỹ, bạn cần trung thực với bản thân khi đánh giá triển vọng của mình. Cuối cùng, các chuyên gia khuyên rằng, bạn hoàn toàn có thể xin những công việc vượt khả năng, nhưng không vượt quá xa năng lực của bạn. Đừng bao giờ nộp hồ sơ cho những vị trí vượt trội quá mức so với năng lực của bản thân, để rồi “trèo cao, ngã đau”!
Phương Anh
Theo US News