Lịch sử tiền tệ và bài toán Double Spending
Có lẽ bạn đang thắc mắc khi đọc đến tiêu đề của bài viết này, liệu nó có nhầm mục hay không? Bởi lịch sử tiền tệ và lặp chi (double spending) thì liên quan gì blockchain? Trên thực tế hai khái niệm này lại rất quan trọng khi tìm hiểu về blockchain bởi nó cho chúng ta lí giải tại sao Bitcoin lại ra đời và mở đầu cho kỷ nguyên Blockchain. Bây giờ, hãy bắt đầu lướt xuống để bắt đầu nội dung của bài viết.
Lịch sử tiền tệ
Tiền đã có lịch sử phát triển lâu dài kể từ buổi bình minh của loài người. Nó đã có lịch sử phát triển hàng ngàn năm, biến đổi qua đủ các loại hình thức khác nhau kể từ những giao dịch trao đổi hàng đổi hàng, đến tiền giấy và giờ đây là các tài sản số. Một số hình thức tồn tại của nó có thể khiến bạn cảm thấy khá bất ngờ. Trong phần này chúng ta sẽ điểm qua đôi nét về lịch sử tiền tệ qua các thời kỳ.
Giao dịch hàng đổi hàng sơ khai khởi đầu của lịch sử tiền tệ
Giả sử rằng, bạn đi đến một đất nước xa lạ, trên người không có chút tiền nào có thể tiêu được, bạn sẽ làm thế nào để kiếm được đồ ăn?
Nếu trên người bạn còn vài thứ đồ có thể sử dụng được như đồng hồ, máy tính, hay một thứ gì đó thì bạn hoàn toàn có thể đổi nó lấy đồ để ăn đúng không ạ? Khi không có tiền bạn hoàn toàn có thể sử dụng các vật dụng và hàng hóa khác để thay thế. Đây là loại hình giao dịch hàng đổi hàng từ thuở sơ khai của loài người.
Những tài liệu đầu tiên nói về giao dịch của con người đã bắt đầu từ cách đây hàng ngàn năm. Bắt đầu từ những năm 9000 trước công nguyên, con người đã bắt đầu trao đổi các mặt hàng với nhau để đổi lại thứ mình cần. Tại Ai Cập những người nông dân trao đổi ngũ cốc, lúa mì và các loại gia súc cho nhau. Việc trao đổi sẽ giúp thỏa mãn mọi nhu cầu cần thiết của con người. Nó giúp một anh nông dân chỉ chuyên trồng cây có thể đổi lấy thịt để ăn và ngược lại người nuôi gia súc có thể đổi lấy vải vóc hoặc những vật dụng cần thiết khác.
Tuy nhiên nhược điểm rất lớn của việc trao đổi hàng hóa đó là hàng hóa rất khó để di chuyển được xa, dễ hỏng hóc hoặc bị cướp bóc, thất thoát giữa đường. Hoặc nhiều khi, người sở hữu con cừu lại không có nhu cầu đổi lấy lúa gạo, khi đó, việc trao đổi sẽ bị đình trệ và không thể mở rộng, phát triển được. Điều đó dẫn đến sự xuất hiện của tiền.
Lịch sử tiền tệ: từ vỏ ốc đến vàng
Do sự hạn chế của hình thức trao đổi hàng đổi hàng, các vật trung gian được sử dụng để lưu trữ giá trị của hàng hóa phổ biến nhất là các kim loại quý như đồng, bạc hay vàng.
Lịch sử tiền tệ khởi nguồn từ tiền thân của tiền xuất hiện vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên, tại các khu vực ven biển quanh Ấn Độ Dương. Tại đây người ta đã sử dụng các loại vỏ ốc để làm vật trung gian trao đổi có giá trị như tiền. Tại một số khu vực khác, lông vũ của chim hoặc một số loại đá quý có màu sắc được sử dụng như các phương tiện trao đổi. Nếu loại tiền này được chấp nhận như ngày nay chắc hẳn chúng ta đã rất giàu.
Tiền tệ chính thức đầu tiên được đúc bằng kim loại bởi Vua Alyattes của Lydia, một vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Trong nhiều năm tiếp theo, người ta chủ yếu cải tiến hình dạng của nó với các thiết kế tròn và mượt hơn, hoặc dùng ít kim loại hơn,…
Khi Lydia bị người Ba Tư xâm chiếm vào năm 546 trước Công nguyên, tiền xu đã được phát triển đến Ba Tư. Ở các nền văn hóa khác tiền xuất hiện muộn hơn, chẳng hạn như với người Phoenicia việc đúc tiền xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, và nhanh chóng lan sang người Carthage ở Sicily. Người La Mã bắt đầu đúc tiền vào khoảng năm 326 trước Công nguyên.
Ở Trung Quốc, tiền vàng được tiêu chuẩn hóa lần đầu tiên vào thời nhà Tần (221 – 207 trước Công nguyên). Trước đó đã xuất hiện tiền xu dưới nhiều hình thức khác nhau tuy nhiên chưa được chuẩn hóa thành đơn vị tiền tệ thống nhất. Sau khi nhà Tần sụp đổ, các hoàng đế nhà Hán đã phát triển thêm các loại tiền tệ hợp pháp khác là: tiền bạc và giấy bạc, tiền thân của tiền giấy được phát minh sau này ở Trung Quốc.
Lịch sử tiền tệ Việt Nam khởi đầu với đồng tiền đầu tiên được phát hành lần đầu vào giữa thế kỷ 10, thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt dưới sự trị vì của Đinh Bộ Lĩnh. Thời phong kiến, gần như mỗi đời vua lại cho phát hành loại tiền mới. Nhiều khi, mỗi lần thay đổi niên hiệu, vua lại cho phát hành loại tiền mới. Suốt một thời gian dài, tiền kim loại là thứ tiền duy nhất và mô phỏng theo tiền kim loại của các triều đình Trung Quốc.
Các loại tiền xu trong giai đoạn này chủ yếu sử dụng các kim loại như vàng hay bạc. Mặc dù nhiều kim loại khác cũng được sử dụng để đúc tiền, tuy nhiên nó không phổ biến cho đến sau này. Lí do để vàng và bạc trở thành các tiêu chuẩn tiền tệ là nó có chứa giá trị vốn có ngay từ đầu. Có thể được sử dụng làm nhiều vật dụng với độ bền cao và đẹp mắt, do đó nó được dùng như tiền thay vì các kim loại khác.
Tuy nhiên, với sự phát triển quá nhanh của sức sản xuất và nhu cầu buôn bán trao đổi, đặc biệt là sự xuất hiện của các con đường giao thương xuyên lục địa như Con đường tơ lụa, việc sử dụng kim loại hay cụ thể là vàng bạc gây ra nhiều vấn đề bất tiện. Bất tiện đầu tiên đó là việc chuyên chở và vận chuyển tiền trở lên khó khăn, và tiềm ẩn đầy nguy cơ. Thứ hai, vàng bạc là những kim loại quý hiếm, do đó số lượng của nó không lớn đủ để đáp ứng các nhu cầu trao đổi thực tế. Điều này khiến lịch sử tiền tệ đòi hỏi sự biến đổi và sinh ra nhu cầu xuất hiện một loại tiền tệ tiện lợi hơn – đó là tiền giấy.
Tiền giấy, bước ngoặt trong lịch sử tiền tệ
Sự phát triển của tiền giấy bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy, với nguồn gốc là các khoản tiền gửi của thương nhân trong thời nhà Đường (Năm 618 – 907). Các thương nhân và nhà buôn thời kỳ này đã tìm cách tránh sử dụng số lượng lớn tiền kim loại trong các giao dịch thương mại lớn nhằm tránh việc phải vận chuyển phức tạp và nguy hiểm kèm theo. Để làm việc này họ đã phát hành những hợp đồng viết trên giấy để thừa nhận rằng một người đã nhận được tiền hoặc tài sản để đổi lấy việc sử dụng các tờ giấy này trong các giao dịch cùng giá trị khác.
Cho đến thế kỷ thứ 11, tiền giấy đã trở thành một hình thức thực tế của giá trị tiền tệ được chấp nhận vào thời nhà Tống (Trung Quốc). Sau đó được nhà thám hiểm Marco Polo mang về châu Âu. Và đến năm 1661, tờ tiền giấy đầu tiên được phát hành ở Thụy Điển. Đã có nhiều nghi ngại khi tiền giấy được sử dụng. Tuy nhiên, nó đã ngay lập tức thay thế được sự cần thiết phải mang theo số lượng lớn vàng, bạc, và nguy cơ bị đánh cắp.
Với Việt Nam tiền giấy xuất hiện từ khá sớm, sớm hơn ở Châu Âu rất nhiều. Loại tiền giấy đầu tiên ở Việt Nam có tên “Thông bảo hội sao” là loại tiền giấy đầu tiên do nhà Hồ phát hành vào năm 1396. Đó là một thời điểm rất sớm so với lịch sử tiền giấy nhưng lúc đó, tuy nhiên do chế độ sử dụng và phát hành gần như nó rất hạn chế được sử dụng.
Với khái niệm hoàn toàn mới về tiền giấy, hầu hết các quốc gia thời đó đều thiếu các điều luật điều chỉnh về việc ai có thể in tiền. Điều này làm cho bất cứ ai có khả năng in thì đều có khả năng phát hành tiền. Do đó, mệnh giá của nhiều loại tiền giấy trở nên gần như vô nghĩa. Giá trị tiền giấy được xác định bởi uy tín của nhà phát hành và số lượng ủng hộ nó. Một số loại tiền đã không được chấp nhận, làm cho chúng vô giá trị; trong khi một số loại khác lại bị giảm giá trị so với mệnh giá gốc. Một vài loại tiền giấy hiếm được lưu hành với giá trị lớn hơn mệnh giá, đặc biệt nếu các tổ chức phát hành tiền này quy định rằng họ sẽ có thể trao đổi ngang giá tiền giấy với số lượng vàng hoặc bạc cụ thể.
Chế độ bản vị vàng
Để ổn định lại giá trị của tiền giấy, nhiều biện pháp đã được đưa ra, trong đó là việc quay trở lại sử dụng giá trị của vàng. Tức là gắn giá trị của tiền giấy với một lượng vàng cố định. Chế độ này được gọi là chế độ bản vị vàng.
Chế độ bản vị vàng là một hệ thống tiền tệ trong đó một loại tiền tệ hoặc tiền giấy của quốc gia có giá trị liên kết trực tiếp với vàng. Các quốc gia đã đồng ý chuyển đổi tiền giấy thành một lượng vàng cố định và đặt giá cố định cho vàng đồng thời mua và bán vàng ở mức giá đó. Giá cố định được sử dụng để xác định giá trị tiêu chuẩn của tiền tệ.
Vào năm 1816, vàng đã trở thành tiêu chuẩn chính thức của Anh khi họ đúc đồng xu vàng một Pound (Bảng Anh) có tên là Sovereign. Sau đó chế độ bản vị vàng nhanh chóng lan sang Mỹ. Chế độ này được áp dụng tại Mỹ vào năm 1879.
Ngày nay, chế độ bản vị vàng hiện không được sử dụng bởi bất kỳ chính phủ nào. Trên thực tế, Anh đã ngừng sử dụng bản vị vàng vào năm 1931 và Hoa Kỳ đã dừng lại vào năm 1933. Chế độ bản vị vàng đã được thay thế hoàn toàn bằng chế độ tiền định danh, một thuật ngữ để mô tả tiền tệ được sử dụng theo quy định luật pháp của chính phủ. Chế độ tiền định danh quy định rằng rằng tiền tệ được chính phủ phát hành và phải được chấp nhận như một phương tiện thanh toán nợ hợp pháp đối với mọi hoạt động trao đổi.
Tiền số bước tiến mới trong lịch sử tiền tệ
Chế độ tiền giấy vẫn tồn tại một số nhược điểm khi vận hành, nó vẫn có thể bị đánh cắp, bị mất, bị cháy, cũng như tốn nguyên liệu và có thể bị làm giả… Và việc mang một chiếc cặp đầy tiền đi trao đổi cách xa hàng ngàn kilomet cũng không phải là một ý tưởng hay, đặc biệt với sự ra đời của máy tính điện tử và đặc biệt là mạng Internet. Và đó là lí do tiền kỹ thuật số ra đời.
Lịch sử tiền tệ đánh dấu phiên bản số hóa đầu tiên của tiền đó là các hình thức thẻ tín dụng hay thẻ ATM, được ra đời khá sớm. Với các loại thẻ này, bạn có thể cầm một số cực lớn chỉ vẻn vẹn trong một chiếc thẻ, và có thể mang nó đi bao xa tùy thích để sử dụng.
Khi thẻ tín dụng và các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại di động trở nên phổ biến, ngân hàng di động (mobile banking) đã được giới thiệu ở châu Âu vào năm 1999. Mặc dù những dòng điện thoại thông minh như iPhone hay Samsung vẫn chưa ra đời nhưng mobile banking vẫn có thể sử dụng được bằng cách sử dụng điện thoại thông minh nguyên thủy kết hợp các các thiết bị trợ lý kỹ thuật số cá nhân (PDA).
Giờ đây, bạn có thể mua hàng trên mạng, sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử một cách dễ dàng với tiền kỹ thuật số, nhưng bạn chú ý thấy một điều rằng, để sử dụng được tiền kỹ thuật số, bạn đều cần một dịch vụ trung gian của các ngân hàng hoặc các tổ chức thanh toán trung gian khác như PayPal, hay ở Việt Nam là Ngân lượng hoặc các ví điện tử khác.
Bạn mốn mua hàng trên Amazon. Sau khi chọn xong giỏ hàng của mình, bạn nhập chi tiết thẻ tín dụng và gửi đơn đặt hàng. Amazon sẽ lấy thông tin chi tiết thẻ tín dụng và xác nhận với hệ thống – hệ thống tài chính liên quan đến ngân hàng, công ty thẻ tín dụng và các trung gian khác để xác nhận hoặc từ chối đơn đặt hàng của bạn dựa trên số dư tài khoản của bạn tại ngân hàng.
Hoặc nếu bạn không muốn để lộ thông tin cá nhân của mình cho Amazone hay những bên bán dịch vụ khác, bạn có thể sử dụng dịch vụ thanh toán trung gian của Paypal. PayPal được xây dựng như một kiến trúc trung gian đứng giữa bạn và người bán và đóng vai trò là người trung gian tin cậy. Họ xử lý giao dịch thay mặt bạn và thông báo cho người bán, trong trường hợp này là Amazon. PayPal sau đó sẽ giải quyết số dư của mình với Amazon vào cuối mỗi ngày. Lợi ích của việc sử dụng PayPal là bạn không phải cung cấp cho người bán thông tin chi tiết về thẻ tín dụng của bạn.
Tóm lại, để có thể sử dụng tiền điện tử, bạn cần một bên trung gian xác nhận cho tính hợp lệ của số tiền đó. Tại sao lại như vậy?
Khác với tiền giấy hoặc các loại tiền đại diện bằng vật chất hữu hình khác như vàng hay bạc, tiền điện tử có thể bị sao chép và sử dụng rất nhiều lần nếu không có một đơn vị quản lý chung các giao dịch. Bạn hãy nghĩ đến các file dữ liệu mà mình có thể copy cho đứa bạn, nhưng hôm sau lại copy lại nó cho đứa em, và hôm sau lại là một đồng nghiệp khác,…Vấn đề này là bài toán lặp chi (double spending problem) của tiền điện tử.
Double Spending và sự ra đời của Blockchain
Trước khi đi vào bài toán double spending chúng ta quay lại phân tích sự khác biệt về bản chất giữa tiền mặt và điện tử.
Hai tính chất cơ bản của tiền mặt
Tiền mặt là các loại tiền có dạng vật chất hữu hình như vàng bạc, tiền giấy. Tiền mặt có hai tính chất hay lợi thế rõ ràng so với tiền điện tử hay thẻ tín dụng.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống tiền mặt
Ở phần nói về tiền giấy ở trên, chúng ta đã thấy rằng tiền giấy về mặt bản chất là một sự thay thế đại diện cho một giá trị nào đó được công nhận (ví dụ như vàng, hoặc bạc). Tuy nhiên tại sao giá trị này lại được chấp nhận?
Giả sử nếu bạn là Bill Gate trong lúc bận đi ra sân bay, và trên người không mang theo tiền, bạn gặp một cuốn sách rất hay, bạn sẽ làm gì? Nếu là tôi, tôi sẽ viết lại một tờ giấy cho người bán đại loại như: “Bill Gate nợ 50.000 đồng” và ký tên của tôi vào. Người mang tờ giấy này có thể đến gặp lại tôi đổi lấy 50.000 đồng bằng cách đưa cho tôi tờ giấy có kèm chữ ký này của tôi.Trong trường hợp này, tờ giấy trắng của tôi giờ đây có giá trị sử dụng như tiền giấy. Đặc biệt nếu mọi người tin tưởng rằng tôi sẽ giữ lời hứa và coi chữ ký của tôi là không thể chối bỏ được. Khi đó, họ có thể truyền tay nhau, sử dụng nó như một vật thay thế giá trị để giao dịch.
Do đó, về mặt bản chất, tiền mặt là một hình thức đại diện cho giá trị được chấp thuận trong giao dịch, nếu bạn có đủ sự tin cậy và uy tín, bạn có thể phát hành ra tiền mặt. Tiền hoạt động dựa trên nguyên lý về niềm tin.
Hãy tưởng tượng bạn là một người bán máy tính và một hôm một ai đó đến mua máy tính của bạn. Họ không mang tiền thay vào đó là một tờ giấy như tờ giấy của Bill Gate ở trên và nói bạn có thể mang tờ giấy này đến bất cứ đâu để mua hàng có giá 50.000 đồng.
Bạn có tin họ không?
Nếu là tôi, tôi chắc chắn sẽ không tin. Nhưng tại sao chúng ta tin tờ giấy của Bill Gate, tin vào tờ tiền 50.000 đồng do chính phủ phát hành mà không tin một tờ giấy khác tương tự. Về bản chất tờ 50.000 do chính phủ phát hành chỉ là một tờ giấy nợ ghi lại thông điệp “Tôi nợ anh 50.000” kèm với xác nhận từ chính phủ. Bạn và mọi người sử dụng nó hàng ngày, các cửa hàng tin tưởng và chấp nhận nó rồi những người khác cũng tin tưởng nó. Mọi chuyện xuất phát từ vấn đề niềm tin.
Những nguyên lý của nó ngày nay vẫn được thừa kế sang tiền điện tử thông qua các chữ ký điện tử. Tuy nhiên, khác với tiền mặt, tiền điện tử không được đại diện bằng vật chất và do đó có thể dẫn đến vấn đề lặp chi (double spending). Mọi người đều có thể tạo ra các bản sao hoàn hảo và không thể phân biệt được với bản gốc, do đó, ai cũng có thể tạo hai hoặc nhiều bản sao của nó và phân phối cho những người khác nhau.
Double spending là gì?
Xem xét ví dụ sau: An muốn mua chiếc xe máy của Bình với giá 20 triệu đồng.
An trả cho Bình số tiền mặt tương ứng. Khi Bình nhận được số tiền mặt này, An không có cách nào để sử dụng lại số tiền này cho một số giao dịch khác, vì tiền mặt là vật chất hữu hình này hiện đang thuộc quyền sở hữu của Bình, và An hay bất cứ ai khác không thể tái tạo hay sao chép được nó.
Bây giờ, nếu An trả số tiền đó cho Bình dưới dạng tiền số thì điều gì sẽ xảy ra?
Do định dạng của tiền để thanh toán là định dạng kỹ thuật số, nên về cơ bản, đây là một tệp nhị phân được lưu trữ ở đâu đó trên thiết bị vật lý của An. Sau khi An đưa tập tin này (tiền kỹ thuật số) cho Bình, anh ta cũng có thể đưa một bản sao của tập tin đó Chung (một người bán xe máy hoặc điện thoại khác để mua những thứ này). Trong trường hợp này cả Bình và Chung đều nghĩ rằng họ đã nhận được tiền mà không có bất kỳ phương tiện nào để xác thực và do đó họ sẽ giao hàng cho An.
Đây được gọi là bài toán lặp chi (double spending) trong đó người gửi chi tiêu cùng một khoản tiền tại nhiều nơi để nhận được các dịch vụ hoặc hàng hóa từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Giải quyết vấn đề double spending đối với tiền số
Để giải quyết vấn đề double spending này, chúng ta sẽ sử dụng một cơ quan xác thực tập trung để giám sát tất cả các giao dịch, trường hợp này giống như các ngân hàng hoặc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trung gian như PayPal.
Cơ quan xác thực tập trung này duy trì một sổ cái ghi lại tất cả các giao dịch. Khi đó, An sẽ phải gửi tài sản tiền số của mình cho cơ quan này. Cơ quan này sẽ thực hiện ghi chép lại biến động tài sản của An kèm với các giao dịch được thực hiện. Mỗi lần tiêu số tiền này sẽ được trừ vào tổng tài sản của An. Và khi An muốn tiêu một khoản tiền nào đó để mua hàng thì cơ quan xác thực này sẽ xác nhận lại việc An có đủ số dư tài khoản để thanh toán cho giao dịch đó hay không. Khi số dư tài khoản được xác thực, cơ quan xác thực tập trung này sẽ gửi một số tiền số tương ứng cho Bình hoặc Chung bằng cách cộng thêm và ghi lại số tiền có được của Bình hoặc Chung vào tài khoản tương ứng của họ trong sổ cái.
Trong trường hợp này, An không thể nhân đôi số tiền của mình bởi dù có gửi như thế nào thì số tiền trong sổ cái cũng không thay đổi và không thể xác nhận được. Nếu mọi giao dịch tiền kỹ thuật số được chuyển thông qua một cơ quan tập trung như thế này, thì vấn đề double spending sẽ được giải quyết. Điều này cũng cung cấp một lợi ích khác trong việc xác thực tính xác thực của mỗi đồng tiền kỹ thuật số được sử dụng trong giao dịch. Tiền giả (tiền trùng lặp như trong trường hợp An trả tiền cho Chung bằng cách sử dụng bản sao) sẽ dễ dàng bị phát hiện và ngăn chặn lưu thông.
Sổ cái phi tập trung và Bitcoin, bước tiến mới trong lịch sử tiền tệ
Sự ra đời của cơ quan xác thực tập trung giải quyết được vấn đề lặp chi, tuy nhiên nó lại vấp phải một vấn đề lớn khác đó là chi phí tạo ra và duy trì xác thực tập trung.
Giả sử trong trường hợp bạn và những người xung quanh đều tự phát hành tiền mỗi đơn vị tương ứng với một số series, thì mỗi lần ai đó tiêu một tờ tiền, họ đều phải tìm cách liên hệ với bản thân người phát hành để xác nhận chúng. Điều này là phức tạp và không khả thi trong thực tế và rất dễ bị gian lận bởi người tạo ra tờ giấy cũng đang gian lận bằng cách lặp chi nó. Do đó, cần đến sự xuất hiện của các tổ chức ngân hàng trung ương, hay các ngân hàng thương mại, dịch vụ thanh toán trực tuyến để duy trì sự xác thực này.
Và các ngân hàng cũng cần tiền cho hoạt động của mình, do đó họ sẽ tính hoa hồng trên mỗi giao dịch tiền tệ họ làm cho khách hàng. Điều này đôi khi có thể trở nên rất tốn kém, đặc biệt là trong chuyển tiền ra nước ngoài, nơi nhiều đại lý (ngân hàng) có thể tham gia để hoàn thành đầy đủ toàn bộ thỏa thuận giao dịch. Và điều này cũng không đáp ứng được hai tính chất quan trọng của tiền mặt ở phần trước.
Để đảm bảo được các đơn vị tiền tệ số có thể được sử dụng tương tự như tính chất của tiền mặt. Nhiều nghiên cứu đã được đưa ra.
Đầu tiên là đề xuất của David Chaum (1982), một nhà khoa học máy tính và mật mã học người Mỹ. Ông đã đề xuất một giải pháp để giữ cho hệ thống ẩn danh và ngăn chặn double spending bằng cách sử dụng chữ ký mù (blind signature).
Chữ ký mù là gì? Trở lại ví dụ tờ giấy của Bill Gate ở trên. Khi tôi là Bill Gate và muốn dùng một tờ giấy nợ để thanh toán cho giao dịch mua sách với bạn, bạn chọn số sê-ri để ghi lên tờ giấy này của tôi. Nhưng ẩn nội dung của nó để tôi không thể nhìn thấy nó. Sau đó, tôi sẽ ký lên tờ giấy này. Trong trường hợp nay tôi vẫn không nhìn thấy chuỗi số mà bạn chọn. Chuỗi số này hoạt động tương tự như mật khẩu mà bạn vẫn sử dụng cho e-mail, hoặc các tài khoản mạng xã hội của mình. Bây giờ tờ giấy đã có một số sê-ri bí mật mà bạn đã chọn và chỉ có bạn được tiêu tờ tiền này vì chỉ bạn mới có số series của nó, khi bạn muốn trả số tiền này cho người khác, bạn làm lại tương tự là cho người đó quyền ghi một giá trị ẩn vào trong tờ tiền và bạn ký lại lên nó. Đây là cơ chế của tiền số xác thực bằng chữ ký mù. Phương pháp này chống được lặp chi tuy nhiên vẫn cần một máy chủ được điều hành bởi một cơ quan trung ương, chẳng hạn như ngân hàng và để mọi người tin tưởng vào tổ chức đó.
Năm 1989, Chaum lấy ý tưởng của mình và thương mại hóa chúng để thành lập công ty DigiCash cùng với đồng tiền số Ecash. DigiCash có lẽ là công ty sớm nhất tiên phong trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Ecash dựa trên các giao thức của Chaum. Các giao thức giữ cho khách hàng ẩn danh và làm các ngân hàng không thể theo dõi các giao dịch. Tuy nhiên, đối với người nhận tiền thì ngân hàng vẫn biết họ kiếm được bao nhiêu tiền, vào thời gian nào…
DigiCash đã thất bại trong việc thuyết phục các ngân hàng và thương nhân chấp nhận nó. Tại thời điểm này, Ecash vẫn là một khái niệm tương đối mới đối với nhiều người, đặc biệt là các thương gia. Tồi tệ hơn, nó không hỗ trợ giao dịch trực tiếp giữa người dùng với người dùng một cách hiệu quả. Do đó nó không thể thuyết phục sự chú ý của người sử dụng. Cuối cùng, DigiCash đã bị đánh bại bởi các công ty thẻ tín dụng.
Năm 1998, Nick Szabo đề xuất một loại tiền ảo phi tập trung có tên Bit Gold. Loại tiền này kết hợp chặt chẽ với thuật toán Bằng Chứng công việc (Proof of Work) cùng một mạng máy tính chấp nhận các bằng chứng công việc hợp lệ. Các thành viên trong mạng sẽ giải quyết một bài toán mật mã để xác thực các giao dịch. Các mảnh ghép chứa các thông tin về giao dịch sẽ được ghi nhãn thời gian và liên kết với nhau thành một chuỗi. Cách thức này giúp giải quyết bài toán lặp chi. Tuy nhiên Bit Gold không bao giờ trở thành đồng tiền chân chính, nó chỉ tồn tại trên lý thuyết mà thôi. Mặc dù vậy nó được coi là đã cung cấp những điều kiện thuận lợi để sau này công nghệ Blockchain và Bitcoin ra đời.
Cùng trong năm 1998, Wei Dai xuất bản bài viết nhan đề B-money, an Anonymus, Distributed Electronic Cash System. Bài viết đã đưa ra những nền tảng cho đồng tiền kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin, và sau này được nhắc đến trong chuyên đề về Bitcoin của Satoshi Nakamoto.
Trong bài viết này, Wei Dai đưa ra những chức năng cơ bản của một hệ thống tiền ảo là nền tảng cho Bitcoin sau này bao gồm:
Gần như các tính chất này đều xuất hiện trong Bitcoin và được coi là nền tảng của mạng lưới Blockchain sau này. Các nghiên cứu về tiền ảo không thực sự thu hút được sự quan tâm cho tới năm 2008.
Năm 2008 là năm đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế giới, hàng loạt ngân hàng phá sản do nợ xấu, kéo theo khủng hoảng kinh tế và sự bốc hơi tài sản của hàng trăm ngàn người. Điều này là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự tin cậy của các tổ chức trung gian như ngân hàng. Trước tình hình đó, các nghiên cứu về tiền ảo thực sự trỗi dậy và nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng.
Hệ quả là cùng trong năm đó, Satoshi Nakamoto đăng một bài luận trên mạng Internet có nhan đề Bitcoin: A Peer-to-peer Electronic Cash System. Bài viết này đưa ra kiến thức tổng quan về sự hình thành Bitcoin và khối các giao dịch kết nối trong chuỗi khối.
Năm 2009, là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử tiền tệ khi Bitcoin ra đời. Nó đã vượt ra khỏi khuôn khổ một ý tưởng trên văn bản học thuật khi Satoshi Nakamoto sáng tạo mạng lưới Bitcoin cùng Blockchain đầu tiên. Blockchain lần đầu tiên được đề cập đến với cụm từ rời rạc “Blockchain” trong mã nguồn nguyên thủy cho Bitcoin.
Blockchain đầu tiên này là đặc điểm cốt lõi của Bitcoin, ngăn chặn được tình trạng giao dịch lặp chi và hoạt động với vai trò sổ cái công khai phân tán cho tất cả các giao dịch trên mạng lưới Bitcoin.
Nakamoto được công nhận là người đầu tiên khai thác khối đầu tiên trên mạng lưới Bitcoin, hay còn gọi là “khối nguyên thủy”, kèm một thông điệp: “Tờ Times ngày 03/01/2009, Đại Pháp Quan đứng trên bờ vực phải viện trợ ngân hàng lần thứ hai”. Thông điệp này được lưu lại như bằng chứng về ngày khối được khởi tạo là vào ngày mùng ba tháng một hoặc sau đó, đồng thời đưa ra nhận định về sự thất bại trong cấu trúc hiện tại của ngân hàng và thị trường tiền tệ.
Người sáng tạo Bitcoin và Blockchain, Satoshi Nakamoto, vẫn còn là một ẩn số. Nhiều người hoài nghi rằng Nick Szabo hay Wei Dai chính là người sáng lập Bitcoin, tuy nhiên cả hai đều phủ nhận điều này.
Có thể nói Bitcoin đã kết thúc việc giải quyết giao dịch giữa người dùng với người dùng bằng cách loại bỏ toàn bộ vấn đề xác thực tập trung. Sự hỗ trợ cho các giao dịch trực tiếp giữa người dùng với người dùng mà không cần cơ quan chứng thực trung gian đóng một vai trò lớn trong thành công của Bitcoin.
Có thể thấy thực chất ý tưởng về Blockchain đã được ra đời từ rất lâu trước đây với những người đặt nền móng như Nick Szabo hay Wei Dai, và thậm chí Blockchain đầu tiên Bitcoin gần như là một bản sao hoàn chỉnh của B-money. Tuy nhiên, ở thời kỳ trước vấn đề về niềm tin chưa thực sự được chú ý nhiều, và những đề xuất này chưa thực sự có ứng dụng thực tế do đó nó không được vinh danh như Bitcoin.
Bitcoin đã thành công khi nhiều dự án tiền kỹ thuật số khác thất bại. Bitcoin có một số đổi mới đáng chú ý bao gồm blockchain và mô hình phi tập trung hỗ trợ các giao dịch giữa người dùng với người dùng. Một trong những lý do thành công của Bitcoin là việc nó tạo ra được cảm nhận về giá trị khan hiếm. Ví dụ, sự khan hiếm của vàng và kim cương cho phép nó được sử dụng như một sự hỗ trợ cho tiền. Trong Bitcoin đó là năng lực và thời gian tính toán để khai thác (đào) hay là việc giải quyết một vấn đề toán học phức tạp trên máy tính.
Năm 2015, Blockchain Ethereum ra đời, cho phép các ứng dụng phi tập trung và hợp đồng thông minh hoạt động trên Blockchain. Sự kiện này đã nâng tầm công nghệ Blockchain lên và được gọi là Blockchain 2.0. Sự kiện này đưa Blockchain không chỉ giới hạn ở tiền ảo hay Bitcoin mà trở thành một trong những công nghệ có tính cách mạng trong nhiều lĩnh vực.
Blockchain đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử tiền tệ. Chúng ta không biết được tương lai của nó sẽ đi về đâu, tuy nhiên về mặt thực tế nó có rất nhiều ứng dụng ngoài việc là một phương tiện thanh toán. Và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công nghệ này cũng như những ứng dụng thực tế của nó trong những bài sau.
(Còn tiếp)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: