Công nghệ kết nối không dây phát triển liên tục, tiếp tục là động lực thúc đẩy mạnh mẽ xu thế di động, kéo cả thế giới để lên lòng bàn tay người dùng.
Lưu lượng di động toàn cầu tới ngưỡng Exabyte mỗi tháng
Smartphone xuất hiện từ giữa những năm 1990, nhưng hơn 1 thập kỷ sau đó thị trường vẫn èo uột vì không nhận được sự quan tâm của người dùng. Thế hệ iPhone đầu tiên được Apple tung ra vào năm 2007 đã làm thay đổi cách nhìn nhận về điện thoại thông minh. Công nghệ cảm ứng đa điểm cùng khả năng kết nối Internet mạnh đã đem lại những trải nghiệm tuyệt vời chưa từng thấy trước đó. Với những động tác chạm vuốt đơn giản, mọi thông tin hữu ích trên Internet đã sẵn trong lòng bàn tay người dùng. iPad ra đời cùng xu hướng làm việc, giải trí di động tăng cao làm bùng nổ thêm nhu cầu sử dụng máy tính bảng gọn, nhẹ luôn bên mình với khả năng kết nối liên tục, hoạt động suốt ngày mà không sợ hết pin.
Thiết bị di động đang vượt qua PC truyền thống về lượng người dùng truy cập Internet. Trào lưu kết nối Internet bằng thiết bị di động bắt đầu từ khi các mạng 3G trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong vài năm nay cùng với xu hướng người dùng đang chuyển dần sang sử dụng smartphone và máy tính bảng thay cho PC (xem PCW số 2/2013 với chủ điểm “Công dân 3G”). Điện thoại di động trước đây được sử dụng với các chức năng cơ bản là nghe, gọi, và nhắn tin, thì nay trở thành công cụ không thể thiếu để đáp ứng những nhu cầu cao hơn: lướt web, gửi nhận email, xem phim nghe nhạc chơi game online, kết nối mạng xã hội chia sẻ thông tin, mua sắm trực tuyến…
Báo cáo mới đây của Cisco cho thấy, lưu lượng truy cập dữ liệu trên di động đã tăng gấp đôi trong năm qua. Cụ thể, trung bình mỗi tháng trong năm 2012, các thiết bị di động chuyển tải một lượng dữ liệu lên đến 900 petabyte (1 petabyte = 1 triệu gigabyte). Cisco dự đoán lưu lượng di động hàng tháng trên toàn cầu trong năm 2013 sẽ vượt ngưỡng exabyte (1 exabyte = 1 tỷ gigabyte). Theo đánh giá của hãng, lưu lượng truy cập di động đang tăng nhanh bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều smartphone, máy tính bảng có cấu hình mạnh cùng khả năng kết nối các mạng không dây tốc độ cao (Wi-Fi, 3G/4G) phủ sóng khắp nơi, sẵn sàng giúp người dùng truy cập dữ liệu, chia sẻ thông tin, chạy các ứng dụng và sử dụng các dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là nội dung “nặng” như video.
|
Cisco dự đoán lưu lượng di động hàng tháng trên toàn cầu trong năm 2013 sẽ vượt ngưỡng exabyte (tức trên 1 tỷ gigabyte). |
Tới thời Wi-Fi 802.11ac, và cuộc đua 4G LTE
Wi-Fi là chuẩn kết nối không thể thiếu trên những chiếc smartphone, máy tính bảng từ phổ thông đến cao cấp, trong kỷ nguyên di động. Ngoài những chuẩn Wi-Fi thông dụng như 802.11b/g/n, chuẩn mới Wi-Fi 802.11ac giúp tăng tốc độ cao hơn nhiều lần cũng đã lên smartphone. Chiếc HTC One mới ra mắt hồi cuối tháng 2 được trang bị chip bốn nhân Snapdragon 600 xung nhịp 1,7GHz của Qualcomm đã tích hợp chuẩn công nghệ Wi-Fi 802.11ac mới nhất và nhanh nhất hiện nay. Theo Qualcomm, Wi-Fi thế hệ mới có thể truyền dữ liệu lên tới 450Mbps, nhanh gấp 3 lần so với chuẩn N hiện đang phổ biến. Thế hệ chip mới của Qualcomm, Snapdragon 800/600/400/200 đều tích hợp Wi-Fi 802.11n/ac.
Điều trở ngại cho dạng kết nối Wi-Fi là vùng phủ sóng hạn chế, nên công nghệ 3G phát huy thế mạnh trên những thiết bị di động cùng sự lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp của các mạng 3G. Công nghệ 3G đã được trang bị trên hầu hết các điện thoại thông minh và máy tính bảng trong những năm gần đây là nguyên nhân chính của sự bùng nổ trào lưu kết nối qua các mạng xã hội, tiếp thị trực tuyến, thanh toán di động và rất nhiều dịch vụ nội dung khác, cùng các ứng dụng thi nhau đổ bộ lên màn hình bé nhỏ của chiếc điện thoại. Băng rộng không dây tiếp tục phát triển với dịch vụ 4G LTE, được hãng TeliaSonera khai thác tại Thụy Điển lần đầu tiên vào cuối năm 2009, nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu lớn, tốc độ cao của người dùng. Các mạng LTE đang phát triển nhanh trên toàn thế giới và LTE đang trở thành chuẩn kết nối phổ biến cho smartphone và máy tính bảng đời mới nhất, hứa hẹn tốc độ tải xuống đạt tới 300Mbps.
Cuộc cách mạng di động định nghĩa lại thiết bị điện toán không những cần hiệu năng tốt mà còn phải có tính di động cao, nghĩa là thiết bị phải nhỏ, nhẹ, kết nối liên tục, tiêu thụ điện năng thấp, thời lượng pin dài. Việc tích hợp modem kết nối mạng 3G/4G vào ngay trên SoC (hệ thống trên chip) là thế mạnh của Qualcomm với các dòng chip Snapdragon S4/800/600 dùng nhân xử lý Krait do hãng thiết kế trên nền kiến trúc ARMv7. Thiết kế này giúp tiết kiệm không gian để thiết bị nhỏ và mỏng hơn, pin có thể lớn hơn, điện năng cũng sẽ tiết kiệm hơn so với thiết kế modem tách riêng. NVIDIA cũng tỏ ra không chịu thua kém khi tại MWC 2013 đã trình diễn chip Tegra 4i bốn nhân Cortex-A9 xung nhịp 2,3GHz, tích hợp modem LTE i500, thông qua chiếc điện thoại làm mẫu Phoenix. Đáng tiếc là Tegra 4, với bốn nhân thế hệ mới ARM Cortex-A15, vẫn chưa được NVIDIA tích hợp bộ thu phát sóng di động lên SoC.
Chip 4G LTE vẫn đang tiếp tục được cải tiến. Cũng tại triển lãm di động lớn nhất thế giới MWC 2013, Huawei (Trung Quốc) trình diễn điện thoại bốn nhân Ascend P2 với công bố là smartphone có tốc độ kết nối mạng nhanh nhất thế giới, lên tới 150Mbps (trong khi 4G LTE trên Galaxy S3 và iPhone 5 mới đạt tới 100Mbps). Còn Intel thì công bố nền tảng modem XMM 7160 hỗ trợ 15 băng tần khác nhau, mà theo hãng là một trong những giải pháp đem đến chip LTE nhỏ nhất và tiết kiệm điện nhất thế giới. XMM 7160 cũng hỗ trợ DC-HSPA+ (3G) và EDGE (2G). Intel đã lỡ nhịp cuộc đua di động và đang tìm cách trở lại sân chơi sôi động này. Về phía Qualcomm, công ty mới giới thiệu chip RF360 hỗ trợ mạng LTE toàn cầu và tự tin cho rằng có thể làm việc với 40 băng tần LTE của các nhà mạng trên toàn thế giới. Chip mới này cũng hỗ trợ mạng 3G với các chuẩn HSPA+ và EVDO. Chip RF360 của Qualcomm hứa hẹn thị trường thiết bị 4G sẽ phát triển nhanh chóng vì các nhà sản xuất thiết bị sẽ không phải tốn công tạo ra nhiều phiên bản cho mỗi dòng sản phẩm mới để phù hợp với các nhà mạng khác nhau.
Kết nối 3G đã quá phổ biến, còn 4G LTE cũng đã là mặc nhiên trên những smartphone cao cấp như iPhone 5, Galaxy S3, Optimus G Pro, Xperia Z, HTC One… và đang trở thành chuẩn kết nối di động mà các smartphone, máy tính bảng mới cần phải có để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dùng cho những nhu cầu “nặng ký” hàng ngày như xem phim ảnh chất lượng cao hay cuộc gọi có hình.