Hiện nay, nhu cầu việc làm cho ngành Công Nghệ Thông Tin ngày càng cao. Điều này giải thích tại sao trong những năm gần đây, rất nhiều người chọn con đường vươn tới các chứng chỉ quốc tế để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình. Tuy không nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia nhưng các bằng cấp này lại được các nhà tuyển dụng từ công ty nước ngoài, các doanh nghiệp Nhà nước đánh giá rất cao. Cáng có nhiều chứng chỉ, bạn càng dễ tìm việc làm hoặc được tuyển dụng vào vị trí tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá chạy theo bằng cấp mà không chú trọng vào khả năng làm việc. Nhà tuyển dụng luôn xét hai yếu tố năng lực và bằng cấp.
Một số chứng chỉ quốc tế của các hãng đang được ưa chuộng hiện nay:
+ Hãng Microsoft: MCSA, MCSE, MCITP-SA, MCITP-EA
+ Hãng Cisco: CCNA, CCNP, CCIE
+ Hãng ISC: SCNS, SCNP, SCNA
+ Hãng EC-Council: CEH, CHFI
+ Hãng CompTIA: Comptia A+, Comptia Security +
Các chứng chỉ loại này xác nhận mức độ thành thạo của bạn chuyên về một công nghệ, sản phẩm cụ thế.
Giới thiệu các trung tâm thi
Pearson Vue và Prometric là hai tập đoàn khảo thí quốc tế lớn nhất thế giới, có mặt trên 151 quốc gia với hơn 4000 trung tâm khảo thí. Tuy nhiên, không phải trung tâm khảo thí nào cũng thi được tất cả các môn. Ví dụ, đối với các môn thi của Microsoft, bạn phải thi tại các trung tâm khảo thí của Prometric, và đối với các môn thi của Cisco, bạn phải thi tại các trung tâm thi của Pearson Vue.
Tài liệu và các phần mềm để luyện thi
Bạn nên tham khảo tài liệu – giáo trình gốc của các hãng mà bạn sẽ thi. Ví dụ hãng Microsoft có các giáo trình như Training Kits, Microsoft Official Curriculum, hãng Cisco có CiscoPress… và một số tài liệu như Sybex, Trainsignal,… Đa số các giáo trình gốc đều bám rất sát vào đề thi quốc tế, học theo các giáo trình này bạn đủ khả năng hiểu cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Bên cạnh đó, hiện nay còn có một số phần mềm dùng để luyện thi như: Testking, Pass4sure, ActualTest, TestInside… Các phần mềm này có giao diện giống như khi bạn đang thi thật nhằm giúp bạn làm quen với hình thức thi trên máy tính. Tương ứng với các câu hỏi đều có phần trả lời và giải thích chi tiết. Ngoài ra, bạn còn có thể thiết lập các chế độ về thời gian và số lượng câu hỏi cho giống với thời gian thi thật để thử sức. Khi hoàn tất bài thi, sẽ có một báo cáo chi tiết về số điểm của bạn. Dựa vào đó, bạn có thể biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên quá phụ thuộc vào các chương trình luyện thi này, nên xem nó như một công cụ giúp bạn tự tin khi bước vào phòng thi.
Thủ tục thi quốc tế
Trước khi đăng ký thi, bạn cần chuẩn bị một email đang hoạt động tốt. Tránh sử dụng các email tạm thời, vì sau khi thi xong, các hãng thi sẽ liên lạc với bạn qua địa chỉ email này. Và một điều quan trọng không kém, bạn nên ghi lại chính xác mã số môn thi của mình (ví dụ nếu bạn thi môn 70-351 nhưng lại ghi nhầm thành môn 70-451 thì sẽ rất nguy hiểm, tương ứng với mỗi môn môn thi là một sản phẩm khác nhau)
Khi đi đăng ký thi, bạn nên đăng ký trước 2 hoặc 3 ngày. Đối với một số hãng như Microsoft, Cisco, Linux… bạn có thể tự chọn ngày thi và giờ thi cho phù hợp. Việc thay đổi ngày thi hoặc môn thi phải được báo với phòng thi trước 48 giờ (không kể thứ bảy và chủ nhật). Lệ phí thi thường dao động từ 50 USD – 300 USD (tùy hãng thi). Mách nhỏ bạn một điều, để được thi với giá rẻ, bạn nên đến các Trung Tâm Ủy Quyền của hãng mà bạn thi (ví dụ: Nhất Nghệ, Saigon CTT, Hanoi CTT…) hoặc bạn có thể đăng ký tham dự các khóa học ngay tại các trung tâm đó để được giảm lệ phí thi (có nơi giảm đến 50% lệ phí thi). Ngoài ra, bạn nên cập nhật thông tin của các hãng liên tục vì sẽ có những chương trình ưu đãi, ví dụ như Microsoft thường có chương trình “SECOND SHOT – THI RỚT LẦN 1 ĐƯỢC THI LẠI LẦN 2 MIỄN PHÍ” (bình thường bạn thi hỏng thì phải đóng tiền thi lại, nếu tranh thủ thi đúng vào dịp này thì còn gì bằng),
Khi đi thi, bạn nên đến phòng thi sớm hơn 30 phút để làm thủ tục thi. Bạn phải mang theo Passport (hoặc chứng minh thư) kèm theo một giấy tờ phụ có dán ảnh để nhân viên Phòng Thi kiểm tra. Sau đó, bạn sẽ đọc và ký tên vào nội qui phòng thi, ghi họ tên, giờ thi vào bảng theo dõi thí sinh. Tiếp theo, bạn phải cất tất cả các vật dụng cá nhân vào tủ dành cho thí sinh và khóa lại. Để bắt đầu bài thi, giám thị sẽ dẫn bạn đến trước máy tính có bài thi của mình. Bạn có thể yêu cầu giám thị hướng dẫn cách sử dụng máy tính và bắt đầu bài thi. Vào phòng thi, bạn phải tuyệt đối giữ trật tự im lặng, không trao đổi về bài thi, không được phép sử dụng điện thoại di động, không ghi chép câu hỏi hoặc câu trả lời để mang ra ngoài. Trong trường hợp không tuân thủ nội qui phòng thi, giám thị có thể hủy bài thi của bạn (không cảnh báo) hoặc nếu cao hơn bạn sẽ bị cấm thi vĩnh viễn. Khi bạn hoàn tất bài thi hoặc trong quá trình làm bài, nếu máy tính của bạn có sự cố, bạn cần phải thông báo cho giám thị. Lưu ý với bạn một điều, một số bài thi cho phép bạn xem lại các câu hỏi đã trả lời, ví dụ như các môn thi của Microsoft. Cách tốt nhất để hoàn thành dạng đề thi này là bạn sẽ trả lời qua tất cả các câu hỏi, đánh dấu các câu hỏi mà bạn cảm thấy nghi ngờ hoặc chưa biết phương án trả lời. Sau đó bạn có thể xem lại hoặc thay đổi chọn lựa trước khi bài thi kết thúc. Ngược lại, các môn thi của hãng Cisco không cho phép bạn quay ngược trở lại câu hỏi đã trả lời trước đó. Do đó, với môn thi Cisco, bạn phải suy nghĩ thật kỹ và trả lời chắc chắn cho từng câu hỏi.
Thông thường, khi đi thi bạn sẽ gặp các dạng câu hỏi như sau:
- Single choice: bạn chỉ được chọn 1 đáp án chính xác nhất.
- Multiple choice: bạn phải chọn từ 2 đáp án đúng trở lên.
- Drag and drop: đối với câu hỏi dạng này, bạn phải thao tác chuột để kéo thả các chọn lựa.
- Fill in the blank: bạn phải điền vào chỗ trống, thông thường là điền các dòng lệnh
- Simulation: đây là dạng câu hỏi giả lập, bạn phải thao tác đúng các tác vụ mà đề bài yêu cầu. Khi hoàn thành câu hỏi dạng này, bạn phải lưu kết quả lại.
Sau khi thi xong, bạn sẽ biết ngay kết quả và được nhận bảng điểm có đóng dấu của Prometric hoặc Pearson Vue (tùy theo trung tâm bạn thi). Đối với các thí sinh thi tại các trung tâm thi Prometric sẽ có Candidate ID, đối với trung tâm thi Pearson Vue, sẽ có số VUE ID. Ở những lần thi sau, khi bạn đăng ký thi tại bất kỳ trung tâm thi quốc tế nào trên thế giới, chỉ cần bạn điền các số này vào trong phiếu đăng ký thi thì hồ sơ của bạn sẽ được cập nhật.
Bên cạnh đó, tương ứng với mỗi hãng bạn thi, bạn sẽ có thêm “Hồ Sơ Cá Nhân” của từng hãng. Ví dụ, đối với các môn thi của hãng Microsoft, sau khi bạn thi xong môn đầu tiên, Microsoft sẽ gửi email cho bạn thông báo số Certified ID và Access Code để bạn có thể tạo Hồ sơ cá nhân trên trang Microsoft. Tất cả các môn bạn đã thi đậu và các chứng chỉ bạn đã đạt được đều thể hiện trên trang này. Ngoài ra, khi đi xin việc thay vì bạn phải photo toàn bộ bằng cấp và các bảng điểm, tốn rất nhiều thời gian thì Microsoft cung cấp thêm tính năng “Share Transript” trong hồ sơ cá nhân của bạn, chỉ cần điền đúng username và password do bạn cung cấp, nhà tuyển dụng sẽ biết được bạn đã thi đậu những chứng chỉ nào, vào thời gian nào. Điều này quả thật thuận tiện cho tất cả mọi người. Tương tự. đối với các môn thi của hãng Cisco, bạn sẽ được cấp số Cisco ID, của hãng LPI sẽ có số LPI ID…
Sau khi thi xong, nếu bạn muốn nhận chứng chỉ quốc tế từ các hãng thì bạn phải trả thêm phí. Lệ phí dao động từ khoảng 10 USD – 15 USD (tùy hãng). Bạn có thể đăng ký ngay tại Trung Tâm Thi để được hỗ trợ các thủ tục giao dịch hoặc nếu bạn có thẻ American Express (Visa, Master Card…) thì bạn có thể đặt hàng chuyển chứng chỉ trực tuyến trong Hồ sơ Cá Nhân của mình. Thông thường từ sau 4 -6 tuần, chứng chỉ của bạn sẽ được gửi về đúng nơi mà bạn yêu cầu. Nếu bạn sợ tốn tiền, một số hãng hiện nay cho phép bạn tải các chứng chỉ về máy tính dưới dạng file PDF hoặc XPS, bạn có thể đem các file này ra ngoài và in màu.
Tóm lại, nếu bạn học hành nghiêm túc, thì đi thi để lấy chứng chỉ là điều nên làm, vì nó sẽ giúp cho bạn khẳng định được bản thân. Một người có kiến thức + bằng cấp thì đương nhiên có lợi thế hơn những người không có bằng cấp.
Địa chỉ một số trung tâm thi:
* Trung Tâm Thi Prometric:
- Trung Tâm Khảo Thí Quốc Tế Nhất Nghệ: 105 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh – 08.3.9322.735
- Trung Tâm Khảo Thí Quốc Tế SaigonCTT: 287B Điện Biên Phủ, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh – 08.3.9338.888
- Trung Tâm Khảo Thí Quốc Tế Tân Đức: 180 Pasteur, Quận 1 -08.3.8292.399
- Trung Tâm Khảo Thí Quốc Tế NOVA: Số 92 Võ Thị Sáu- Quận Hai Bà Trưng- Hà Nội – 04.3.6228.116
* Trung Tâm Thi Pearson Vue:
- Trung Tâm Khảo Thí Quốc Tế Nhà Rồng: 383 Bến Chương Dương, Quận 1 – 08.3.8364515
- Trung Tâm Khảo Thí SSP Academy: 123 Trương Định, Quận 3 – 08.3.9321.047
- Trung Tâm Khảo Thí IPMAC: Tầng 3 Số 168 Đường Ngọc Khánh, Ba Đình - Hà Nội - +84-(4)-37710668
- Trung Tâm Khảo Thí Sao Bắc Đẩu: Số 38, đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội - +84-(4)-85873194
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: