Về hình thức giao dịch: Nếu như trong Thương mại truyền thống thì hình thức của giao dịch là trực tiếp giữa các chủ thể tham gia giao dịch với nhau còn trong Thương mại điện tử, hình thức của giao dịch là hoàn toàn gián tiếp. Điều này có nghĩa là các chủ thể không gặp gỡ trực tiếp với nhau mà họ giao dịch với nhau thông qua các phương tiện điện tử. Một đại diện của doanh nghiệp Việt Nam có thể giao dịch nhiều năm với một đại diện của doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc gọi điện thoại để thảo luận với nhau, thông qua fax để truyền cho nhau các nội dung hợp đồng, thông qua Internet để đàm phán với nhau về hợp đồng sắp tới… mà không cần thiết phải gặp gỡ trực tiếp với nhau. Trên thức tế , có nhiều đối tác giao dịch với nhau nhiều năm mà không biết mặt nhau.
Về vấn đề thị trường:Trong thương mại truyền thống, để tìm kiếm một thị trường mới, các doanh nghiệp phải đến tận nơi, tham gia các hội chợ, triển lãm, các cuộc gặp gỡ trực tiếp. Như vậy thị trường trong Thương mại truyền thống bị giới hạn về mặt phạm vi, các doanh nghiệp không thể và không có cơ hội đi tìm hiểu trực tiếp các thị trường trên toàn thế giới thông qua việc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp. Còn đối với Thương mại điện tử thì thị trường là không biên giới. Một doanh nghiệp có thể mở một Website kinh doanh trên mạng và thông qua các phương tiện quảng bá trên mạng có thể quảng bá doanh nghiệp mình ra thị trường toàn cầu mà không bị giới hạn về mặt phạm vi. Một doanh nghiệp ở Châu Mỹ, Châu Âu hay ở Châu Phi có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam thông qua mạng Internet. Điều này thể hiện lợi thế vượt trội của Thương mại điện tử so với hình thức Thương mại truyền thống.
Về chủ thể tham gia: Trong Thương mại truyền thống chúng ta thấy tham gia vào hoạt động giao dịch chỉ có các chủ thể trực tiếp tham gia dịch với nhau, đó là người mua và người bán. Người mua hàng tìm đến người bán hàng, hai bên trao đổi , đàm phán trực tiếp với nhau để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh với nhau mà không cần có một chủ thể nào khác tham gia cùng.
Còn đối với Thương mại điện tử, bên cạnh chủ thể người mua, người bán thì luôn luôn có một chủ thể thứ ba tham gia vào quá trình giao dịch của các bên đó là nhà cung cấp dịch vụ. Ví dụ: Một doanh nghiệp ở Việt Nam kết nối Internet của FPT để sử dụng thư điện tử giao dịch với một doanh nghiệp ở Mỹ, khi đó nhà cung cấp dịch vụ ở đây là Công ty FPT đã cung cấp dịch vụ Internet để cho doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với doanh nghiệp ở Mỹ.
Về mạng lưới thông tin: Đối với Thương mại truyền thống, mạng lưới thông tin chỉ là phương tiện để trao đổi dữ liệu còn đối với Thương mại điện tử mạng lưới thông tin chính là thị trường.
Với sự phát triển như vũ bão của các thành tựu về công nghệ thông tin như ngày nay, đặc biệt là Internet đã giúp cho các doanh nghiệp có thể xây dựng cho mình các “gian hàng ảo” trên mạng mà ở đó doanh nghiệp có thể cung cấp vô số các thông tin giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của mình để cho các bạn hàng tìm kiếm. Sự phát triển này còn hình thành nên các Trung tâm thương mại ảo trên Internet với vai trò như một trung tâm Thương mại thật, tại đó có rất nhiều các thông tin giao dịch về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ nhằm gắn kết người mua và người bán với nhau. Các mạng lưới thông tin này chính là thị trường cho các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng và giao dịch với nhau.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: