− Sự đánh giá ngoài, cần thiết để quản lý chất lượng của một chương trình đào tạo.
− Cơ hội và động lực để thực hiện các cải cách cho một chương trình đào tạo.
− Giấy thông hành để những người tốt nghiệp tham gia vào thị trường nhân lực toàn cầu.
ABET là gì?
ABET viết tắt từ Accreditation Board for Engineering and Technology, là một tổ chức của Mỹ có uy tín trên thế giới, chuyên kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo khối kỹ thuật (Engineering), công nghệ (Technology).
Tiền thân của ABET là Hội đồng Kỹ sư về Phát triển Nghề nghiệp (Engineers’ Council for Professional Development – ECPD), thành lập vào năm 1932. Hiện nay, ABET đã kiểm định hơn 3100 chương trình trên 600 trường đại học, cao đẳng trên thế giới. ABET hoàn thành các mục đích của mình thông qua các hội đồng và ủy ban, bao gồm:
– Uỷ ban Kiểm định Kỹ thuật (Engineering Accreditation Commission-EAC)
– Ủy ban Kiểm định Công nghệ (Technology Accreditation Commission-TAC)
– Ủy ban Kiểm định Điện toán (Computing Accreditation Commission-CAC)
– Ủy ban Kiểm định Khoa học Ứng dụng (Applied Science Accreditation Commission – ASAC).
Các chương trình được ABET kiểm định là các chương trình về kỹ thuật, công nghệ, điện toán, hoặc khoa học ứng dụng, tương ứng do EAC, TAC, CAC, hoặc ASAC thực hiện. Với EAC các tên chương trình phải có từ “engineering”, còn với TAC là từ “technology” như là danh từ ở cuối tên, ưu tiên là “engineering technology”.
Một chương trình có thể phải được kiểm định bởi hai ủy ban khác nhau nếu tên của nó có chứa các từ hàm ý thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Ví dụ chương trình “Bachelor of Engineering in Computer Science” phải được cả CAC và EAC kiểm định.
Các bước cơ bản kiểm định một chương trình đào tạo của ABET
− Xem xét tài liệu tự nhận xét của trường có chương trình được kiểm định.
− Khảo sát, kiểm tra tại cơ sở đào tạo, rà soát tài liệu, cơ sở vật chất...
− Kiểm định chính thức chương trình tại cơ sở đào tạo
− Duy trì chứng nhận kiểm định của ABET sau khi được cấp.
Đạt được kiểm định của ABET là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nền giáo dục của Việt Nam nói chung, và các chương trình đào tạo về kỹ thuật và công nghệ nói riêng. Nếu xem ABET là mục tiêu thì đó cũng là động lực để đổi mới các chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam.
Các tiêu chuẩn của ABET
Bộ tiêu chuẩn ABET bao gồm 9 tiêu chuẩn:
1. Sinh viên (Student);
2. Mục tiêu đào tạo (Program Educational Objectives);
3. Khả năng sinh viên (Student Outcomes);
4. Liên tục cải thiện (Continuous improvement);
5. Chương trình đào tạo (Curriculum);
6. Ban giảng huấn (Faculty);
7. Cơ sở vật chất (Facilities);
8. Hỗ trợ của trường đại học (Institutional Support);
9. Tiêu chuẩn riêng của từng chương trình (Program criteria).
Tiêu chuẩn “Sinh viên” là tiêu chuẩn được xem xét đầu tiên; thể hiện quan điểm của ABET, Inc xem người học là trung tâm. Tiêu chuẩn này đòi hỏi phải theo dõi sự phát triển của sinh viên nhằm giúp họ đạt được các kết quả mong muốn, xem xét các yêu cầu về việc nhận sinh viên vào học, việc hỗ trợ người học qua hệ thống cố vấn, qua cách vận hành chương trình,…
“Mục tiêu đào tạo” đòi hỏi phù hợp với sứ mạng của trường đại học và dựa trên đóng góp của nhiều thành phần liên quan đến người học: giới doanh nghiệp, cựu sinh viên, giảng viên,…Điểm nổi bật trong các tiêu chuẩn ABET là tiêu chuẩn “Khả năng sinh viên” (trước đây là “Chuẩn đầu ra”- Program Outcomes) với các yêu cầu cụ thể (gồm ít nhất 11 yêu cầu) thể hiện các kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học đạt được khi tốt nghiệp. Tiêu chuẩn này thể hiện quan điểm đánh giá của tổ chức ABET, Inc. là đánh giá sự thành công của một chương trình là dựa trên kết quả đạt được của người học chứ không tập trung vào những gì mà các giảng viên thực hiện trên lớp.
Một tiêu chuẩn quan trọng khác là tiêu chuẩn “Liên tục phát triển”. Tiêu chuẩn này đòi hỏi một chương trình đào tạo cần phải có 1 hệ thống đánh giá chất lượng người học để từ đó liên tục cải thiện nhằm nâng cao chất lượng đạt được. Tiêu chuẩn “Chương trình đào tạo” bao gồm một số yêu cầu tối thiểu về thời lượng của các khối kiến thức. Yêu cầu quan trọng nhất của tiêu chuẩn này là phải đảm bảo người học có thể đạt được các yêu cầu trong “Khả năng sinh viên”
Các tiêu chuẩn khác nhằm đảm bảo khả năng vận hành chương trình đào tạo: có đủ giảng viên trong Ban giảng huấn và các giảng viên có thời lượng làm việc hợp lý cho công tác đào tạo; có đủ tiềm lực tài chính và cơ sở vật chất phục vụ cho việc vận hành chương trình đào tạo.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: