Gerard A. Postiglione
“Thành La Mã đã được xây nên không phải chỉ trong một ngày.”
Toàn cầu hóa đã làm cho việc xây dựng một trường ĐHNC thành ra nhanh hơn nhiều, và rút ngắn quãng thời gian mà những nước có nền kinh tế đang lên nhanh chóng phải chờ để có được một thành tựu như thế. Vì lý do đó, mô hình hiện nay của các trường ĐHNC đẳng cấp quốc tế (ĐCQT) đã phần nào chuyển từ những trường mất cả thế kỷ để trưởng thành sang những trường đạt được kỳ công này trong một thời gian ngắn hơn trong một thời đại mới cạnh tranh sôi nổi về kinh tế tri thức. Ngay cả trong thế giới “hậu Mỹ” với sự trỗi dậy của phần còn lại—nổi bật là Ấn Độ và Trung Quốc, nơi lưu giữ một kho báu là nền văn minh cổ xưa và một lịch sử quốc gia mạnh mẽ—có vẻ như một thế kỷ là quá dài để chờ đợi một trường ĐHNC mới trở nên chín muồi (Zakaria 2009). Bởi vậy, các nước đều cân nhắc đến việc xây dựng những trường ĐHNC mới đồng thời với việc tăng cường năng lực nghiên cứu của những trường ĐH hoa tiêu truyền thống của quốc gia. Như chương này sẽ cho thấy, một chiến lược hai hướng sẽ nhạy cảm hơn với một nền kinh tế trên đường phát triển hơn là một cách tiếp cận theo lối thông thường là tập trung nguồn lực vào những trường ĐH dẫn đầu đang có (Ding 2004; Altbach and Balán 2007; Salmi 2009).
Chương này khảo sát một trường hợp ở Hong Kong, Trung Quốc trong GDĐH—sự thành lập và phát triển của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Hong Kong University of Science and Technology, viết tắt là HKUST) và những thành tựu chưa từng có tiền lệ của nó trong việc trở thành một ĐHNC có thứ hạng trên trường quốc tế chỉ trong vòng một thập kỷ từ ngày thành lập năm 1991. Sự trỗi dậy nhanh chóng của trường ĐH này xoay quanh một số nhân tố. Mặc dù khó lòng nhân bản lại ở một nơi nào khác, sự phối hợp các nhân tố như thế rất đáng được xem xét chi tiết. Những ví dụ này minh họa rằng có thể xây dựng một trường ĐHNC thành công như thế nào khi nhà trường nhận thức được sâu sắc cơ hội của mình trong một nền kinh tế và môi trường chính trị thay đổi nhanh chóng; chủ động trong cách tiếp cận để chuyển những hỗ trợ tiềm năng thành nguồn vốn và vượt qua những rào cản có thể có trong xã hội; khéo léo trong việc lập kế hoạch tuyển dụng những giảng viên hàng đầu; nhấn mạnh tính chất độc nhất của nhà trường và để lại một cách tồn tại ổn định trong hệ thống GDĐH hiện tại. Những mô hình, cách thức được lựa chọn trong trường hợp điển cứu này sẽ cộng hưởng với điều kiện của những nền kinh tế mới nổi. Tuy vậy, bản chất phức tạp và đan dệt lẫn nhau, cũng như quá trình diễn ra trong một môi trường đang thay đổi này sẽ khiến bất cứ nỗ lực tạo ra ĐHNC ĐCQT nào nằm ngoài các điều kiện cụ thể đều là những nỗ lực vô hiệu. Sau khi xác định những nhân tố chính chung quanh việc thành lập và xây dựng HKUST, chương này sẽ thảo luận sâu hơn về những vấn đề lớn của việc xây dựng trường ĐHNC.
Những nhân tố chính cho HKUST
HKUST có thuận lợi của những năm đầu dưới chính quyền thuộc địa để ủ ấp văn hóa đại học nghiên cứu trong hệ thống GDĐH thuộc địa Anh. Vì những trường ĐH khác của Hong Kong cũng vẫn trung thành với di sản và đặc trưng của trường họ, trường ĐH này tự phân biệt mình với hiện trạng bằng sự thấy trước vai trò tiềm năng của một ĐH về khoa học và công nghệ trong một Hong Kong thuộc về Trung Quốc trong tương lai. Nó khởi động hàng loạt các tiêu chuẩn rút cục có thể thấy ở nhiều trường ĐH khác. Những tiêu chuẩn đó là đặt nặng vai trò của nghiên cứu ngang với giảng dạy, dựa vào cách tiếp cận “dám làm dám chịu” để phát triển, bổ nhiệm thay vì bầu chọn các trưởng khoa, và bắt buộc sinh viên học các môn khoa học xã hội và nhân văn ngoài chuyên ngành khoa học và kỹ thuật của họ[2]. Trong thực tế, chính sách này diễn ra như một phần của xu hướng chung về toàn cầu hóa trong GDĐH.
Người dịch: Phạm Thị Ly
Nguồn: The Road to Academic Excellence- Making World Class University.
Jamil Salmi and Philip Altbach et al (2011). World Bank Report.
» Tin mới nhất: