1.1. Thư viện và thư viện số
1.1.1. Giới thiệu
Thư viện là kho tàng tri thức đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển của con người. Tuy nhiên, khi lượng thông tin vận hành trong xã hội trở nên nhiều hơn, thư viện truyền thống, với hình thức lưu trữ chủ yếu trên giấy, có còn giữ vị trí độc tôn, và có còn thích hợp không? Thời đại của Internet, của mạng thông tin toàn cầu, người ta cần tìm ra một cách quản lý thông tin sao cho hiệu quả. Điều này tập trung vào hai khía cạnh chủ yếu. Thứ nhất, phải tiết kiệm không gian lưu trữ; thứ hai, tốc độ truy tìm thông tin phải thật nhanh. Giờ đây, người ta trao đổi thông tin không chỉ qua giấy tờ, mà còn thường xuyên sử dụng đến hình thức tài liệu điện tử: sách điện tử, báo điện tử, email, phim ảnh, v.v… Hơn thế nữa, người ta muốn, dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có thể tìm và lấy được thông tin cần thiết. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng một hệ thống có những chức năng của một thư viện bình thường, nhưng chủ yếu quản lý tài liệu điện tử và có thể truy cập vào ở bất cứ đâu. Và những cụm từ như “virtual library” (thư viện ảo), “electronic library" (thư viện điện tử), “library without walls” (thư viện không có tường) và gần đây nhất, là “digital library” (thư viện số) xuất hiện, để chỉ về loại hình thư viện còn tương đối mới mẻ này.
1.1.2. Thư viện số
Vậy thư viện số là gì? Theo định nghĩa của Akscyn và Witten, (Trường Đại học Waikato, New Zealand), thư viện số là tập hợp các bộ sưu tập số, của các đối tượng kỹ thuật bao gồm văn bản, hình ảnh, video, âm thanh, cho phép:
- Truy cập, chọn lọc và hiển thị tài nguyên số (dành cho độc giả)
- Xây dựng, tổ chức và lưu hành (dành cho cán bộ thư viện).
Một câu hỏi thú vị là, World Wide Web có phải là một thư viện số hay không? Nó cũng là một kho dữ liệu khổng lồ chuyên thu thập hàng ngàn, hàng triệu trang tài liệu, cho phép người ta tìm kiếm thông tin trên đó. Tuy nhiên, theo Clifford Lynch, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực khoa học thư viện nói chung và thư viện số nói riêng, câu trả lời là không. “Internet và những tài nguyên đa phương tiện của nó, còn gọi là World Wide Web, không được thiết kế để hỗ trợ xuất bản và thu nhận thông tin có tổ chức. Nó chỉ là một kho hỗn độn của các thông tin vô tổ chức trên thế giới số… Internet không phải là một thư viện số.” [23] Thư viện số trước hết là một thư viện.Thêm vào đó nó có các đặc trưng riêng của một hệ thống điện tử với những công nghệ, dịch vụ mới. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều hệ thống phần mềm thư viện số như Project Gutenberg, Ibiblio và Internet Archieve. Tuy nhiên, chúng hầu hết là những sản phẩm thương mại. Chỉ tính riêng ở Việt Nam đã có ít nhất ba nhà cung cấp hệ thống phần mềm dạng này. Đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn CMC (CMC Co., Ltd) với hệ thống iLib; Công ty Tin học Lạc Việt (LAC VIET Computing Corp) với phần mềm VeBrary; và phần mềm Libol của Công ty Tin học Tinh Vân (TINH VAN Informatic Technology Co.). Theo các chuyên gia đánh giá, “Các phần mềm hiện nay đang sử dụng tại các thư viện Việt Nam do các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp đang còn có một số hạn chế về độ tin cậy. Do thời gian dùng thử nghiệm chưa nhiều, qui mô khai thác chưa lớn nên chưa thể có kết luận một cách rõ ràng chất lượng của các sản phẩm này” [19]. Do đó, việc sử dụng một hệ thống thư viện số thoả mãn những tiêu chuẩn quốc tế, tạo mặt bằng chung trong quá trình liên kết hệ thống các thư viện hiện nay là rất cần thiết.
1.2. Thư viện số Greenstone
1.2.1. Giới thiệu
Các thư viện số làm thay đổi nhanh chóng cách thức thu thập và phổ biến thông tin ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia còn kém và đang phát triển. Đứng trước yêu cầu thực tế, năm 1995 một nhóm nhỏ các giảng viên và sinh viên Đại học Waikato, New Zealand đã xây dựng phần mềm thư viện số Greenstone, giúp người dùng dễ dàng xây dựng và phân phối các bộ sưu tập thư viện số. Phần mềm Greenstone cung cấp một phương pháp mới để tổ chức và xuất bản thông tin trên Internet và qua CD-ROM. Greenstone ban đầu là sản phẩm của dự án New Zealand Digital Library của trường đại học Waikato. Sau đó, thấy được ý nghĩa và tác dụng của phần mềm, từ tháng 8/2000, UNESCO2 và Human Info NGO3 đã tham gia phát triển và hỗ trợ. Đây là phần mềm mã nguồn mở được cung cấp trên http://www.greenstone.org theo thoả thuận đăng kí GNU General Public License. Greenstone mang tính quốc tế. Hiện nay Greenstone đã được sử dụng ở rất nhiều quốc gia, có giao diện và các bộ sưu tập với nhiều ngôn ngữ. Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng, việc mở rộng, hỗ trợ cho mọi sinh ngữ là điều có thể thực hiện được. UNESCO đã và đang phát triển Greenstone như là một phần trong chương trình “Thông tin cho tất cả - Information for All”. Greenstone cũng là phần mềm đa môi trường : có thể chạy được trên hệ điều hành Windows, Unix, Macintosh OS/X. Người dùng sử dụng các bộ sưu tập của Greenstone qua web, hoặc qua đĩa CD, mà không có sự khác biệt gì nhiều. Hệ thống Greenstone gồm hai phần : Phần xử lý offline, thực hiện việc tạo dựng các bộ sưu tập, tạo các cấu trúc dữ liệu để tìm kiếm và trình duyệt; và phần xử lý online, cho phép người dùng truy xuất, sử dụng các bộ sưu tập.
1.2.2. Tính năng
Sau đây là những điều tóm lược về những đặc trưng nổi bật, và cũng là ưu thế của Greenstone.
- Truy cập qua trình duyệt web, cả ở chế độ cục bộ (local) và từ xa (remote).
- Chạy được trên nhiều hệ điều hành : Windows, Unix, Macintosh.
- Tìm kiếm toàn văn bản và tìm kiếm theo từng trường riêng biệt.
- Khả năng trình duyệt linh động, đa dạng
- Cấu trúc duyệt tài liệu được xây dựng hoàn toàn tự động.
- Tận dụng các metadata sẵn có trong tài liệu, giúp người tạo lập bộ sưu tập không phải làm bằng tay.
- Khả năng linh động, dễ mở rộng hệ thống nhờ các thành phần như plugin, classifier.
- Hỗ trợ xử lý tài liệu với nhiều loại ngôn ngữ.
- Cung cấp giao diện đa ngôn ngữ.
- Ngoài các bộ sưu tập văn bản, hình ảnh thông thường, Greenstone còn cho phép tạo các bộ sưu tập hình ảnh, âm thanh đa phương tiện (multimedia)
- Khả năng lưu trữ rất lớn, tới hàng Gigabyte dữ liệu.
- Thêm mới bộ sưu tập đơn giản, có hiệu quả tức thì.
- Khả năng xuất bản các bộ sưu tập ra CD, với đầy đủ tính năng để có thể tự cài đặt và chạy độc lập
- Các bộ sưu tập dễ dàng được mang chuyển, phân phối, chia sẻ.
- Theo phong cách WYSIWYG (What you see is what you get), dễ dùng, thuận tiện.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: