Với sự phát triển của internet và công nghệ, con người kết nối với nhau rộng hơn và khái niệm “thế giới phẳng” trở nên rõ ràng hơn. Đồng nghĩa với việc người tiêu dùng trở nên quyền lực hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn, do đó doanh nghiệp cần có sự thay đổi về tư duy bán hàng và tiếp thị sao cho phù hợp.
Trong cuốn sách “Marketing 4.0: Moving from Traditional to Digital”, “ông tổ” ngành marketing Philip Kotler có đề cập đến sự chuyển dịch từ Marketing 4P sang 4C. 4P trong truyền thống gồm có Product, Price, Promotion, Place. Trong Marketing 4C cũng có các yếu tố tương ứng như sau:
Co-creation – Là việc dựa vào kiến thức, trải nghiệm, nhu cầu của cộng đồng để tạo nên nguồn thông tin đầu vào cho các doanh nghiệp. Co-creation có thể dễ nhận thấy nhất ở các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ luôn luôn có một cộng đồng người dùng sử dụng sản phẩm hằng ngày. Họ có kiến thức, có trải nghiệm với sản phẩm nên họ sẽ biết sản phẩm nên cải tiến ở những điểm nào. Từ đó, bộ phận R&D của các doanh nghiệp sẽ dựa vào ý kiến của các cộng đồng đó để cải tiến sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp sẽ có sự chọn lọc những thông tin thực sự hữu ích, nhờ đó họ tiết kiệm được nguồn lực nghiên cứu và phát triển của mình.
Currency. Một ví dụ dễ thấy nhất là việc định giá của Uber và Grab. Thông thường, khi đi taxi truyền thống thì dù mưa hay nắng cũng chỉ có một mức giá cố định. Còn định giá của Grab và Uber sẽ linh hoạt theo nhu cầu của thị trường. Nếu cầu lớn hơn cung vào thời điểm nào đó thì giá sẽ bị đẩy lên cao hơn. Tuy nhiên, nhìn vào khả năng linh hoạt của giá chúng ta phải hiểu rằng không phải giá lúc nào cũng tăng, mà đôi khi còn được giảm. Khách hàng được giảm giá trong trường hợp đã sử dụng lâu dài dịch vụ/sản phẩm. Vậy cũng cùng là một loại sản phẩm nhưng được định giá rất linh hoạt, tuỳ theo khách hàng của mình là ai. Chúng ta có thể thấy rõ ràng chi phí đi tìm một khách hàng mới bao giờ cũng cao hơn chi phí để giữ một khách hàng cũ. Vì vậy, mô hình định giá theo Currency rất thú vị.
Community (Kích hoạt cộng đồng). Sau khi dựa vào chữ C đầu tiên, Co-creation, dựa vào thông tin từ cộng đồng để đưa ra những cải tiến, những sản phẩm mới, thì chúng ta phải đi tiếp cận lại chính cộng đồng của mình. Vì sản phẩm mới được tạo ra dựa trên nhu cầu của cộng đồng này, cho nên họ sẽ là những người dễ dàng đón nhận sản phẩm mới. Cộng đồng này sẽ tạo nên những người dùng đầu tiên và dần dần lan truyền sang các cộng đồng khác.
Conversation (Thảo luận). Việc thảo luận của khách hàng vô tình sẽ trở thành một kênh quảng bá sản phẩm của mình. Khách hàng thảo luận với nhau, chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Những người xung quanh họ sẽ nghe được những câu chuyện đó, hoặc sẽ được giới thiệu sử dụng sản phẩm. Đó chính là một kênh quảng bá cho doanh nghiệp.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: