Kiểm soát ngăn chặn: Kiểm soát ngăn chặn được thực hiện trước khi nghiệp vụ xảy ra nhằm đề phòng các sai sót và gian lận. Việc thực hiện các nguyên tắc phân công phân nhiệm, bất kiêm nhiệm, ủy quyền phê chuẩn, thường xuyên giám sát, kiểm tra, hạn chế tiếp cận tài sản và dữ liệu... sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận.
Kiểm soát phát hiện: nhằm phát hiện ra sai sót hay gian lận trong quá trình thực hiện hoặc phát hiện ra các điều kiện dẫn đến các sai sót, gian lận. Kiểm soát phát hiện được tiến hành sau khi các nghiệp vụ đã xảy ra. Các hoạt động và các thủ tục kế toán giúp phát hiện sai sót gian lận thường bao gồm thực hiện kiểm soát nội bộ, kiểm tra định kì, thiết kế chứng từ, sổ kế toán một cách khoa học, có cơ chế giám sát thường xuyên và thực hiện các thủ tục nghiệp vụ kế toán như đối chiếu các sổ chi tiết và sổ cái giữa các bộ phận kế toán chi tiết và bộ phận kế toán tổng hợp; đối chiếu các sổ chi tiết ngân hàng với các bản sao kê của ngân hàng; đối chiếu các sổ chi tiết hàng tồn kho với thẻ kho của thủ kho; các hoạt động kiểm kê tài sản định kì hoặc đột xuất...
Kiểm soát sửa sai: là quá trình kiểm soát sai sót và gian lận đã phát hiện nhằm sửa chữa và hạn chế đến mức thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực của các sai sót và gian lận này. Thông thường kiểm soát phát hiện thường đi kèm với kiểm soát sửa sai.